DHKT

DẠY VÀ HỌC KẾ TOÁN TRONG BỐI CẢNH 4.0

07/11/2022

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 với những thuật ngữ “Dữ liệu lớn” (Big Data), “Trí tuệ nhân tạo” (AI) hay “Chuỗi khối” (Blockchain) đã thúc đẩy sự phát triển thần kỳ của các ngành công nghiệp, dịch vụ với nhiều cơ hội và cả thách thức lớn lao. Giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng của Việt Nam đứng trước những sự chuyển đổi (transformation) có tính bước ngoặt với những lợi thế cạnh tranh cho bất kỳ một tổ chức giáo dục nào dẫn đầu hay biết thích ứng linh hoạt với chuyển đổi số, phương pháp dạy học tích cực và sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống quản lý dạy học tiên tiến (LMS-Learning Management System). Dạy và học nghề Kế toán tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng (một ngôi trường được thành lập từ năm 1976 với lợi thế là trường công lập, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với đội ngũ cán bộ, giảng viên chuẩn về bằng cấp và tinh thần làm việc chuyên nghiệp) không thể đứng ngoài “cuộc chơi” của khu vực và thế giới.

ThS. Trần Phương Thảo - Khoa Kế toán trình bày tại buổi tọa đàm

Buổi Tọa đàm với chủ đề “Phương pháp dạy Kế toán trong thời đại 4.0” được khoa Kế toán tổ chức ngày 07/11/2022. Đây không chỉ là một trong số rất nhiều các hoạt động của Khoa hướng đến Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) mà còn là sự kiện tổng kết lại toàn bộ quá trình dạy và học Kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt là dưới tác động của dịch Covid-19. Buổi toạ đàm chia sẻ góc nhìn của giảng viên trong quá trình giảng dạy theo hướng thực hành các môn học Kế toán với đa dạng các chủ đề, từ phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy kế toán trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tổng hợp và chia sẻ một số văn bản mới nhất về kế toán và thuế, thảo luận một số điểm khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn công tác kế toán, cho đến câu chuyện đầy tính thời sự với câu hỏi “Liệu phần mềm kế toán có được xem là nguyên nhân “thu hẹp cánh cửa việc làm” của sinh viên Kế toán?”.

Vậy 4.0 hay chuyển đổi số với các phần mềm Kế toán có thực sự là những “nguy cơ” đối với việc làm của sinh viên chuyên ngành Kế toán?

Bất kỳ một sự đổi mới nào, một xu thế mới nào đều đem đến cả nguy và cơ! Vì vậy, “đổi mới sáng tạo” được Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định là động lực quan trọng của sự phát triển. Đổi mới gắn với cải tiến, cải tạo thậm chí là phải xóa bỏ những cái cũ, cái lạc hâu, cái trì trệ để tri thức và công nghệ luôn luôn là những động lực cho sự sáng tạo, sự phát triển hướng đến tính hoàn mỹ và bền vững. Dạy học trong bối cảnh 4.0 không chỉ đòi hỏi sinh viên mà cả các giảng viên khoa Kế toán không ngừng học tập các kiến thức và kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm như kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt và phản biện và vai trò của ngoại ngữ ngày càng được nâng cao bởi “ngôn ngữ là chìa khóa”. “Học phải đi đôi với hành”; thực tế và thực tập giúp người dạy và người học nắm bắt những cập nhật của ngành nghề, từ đó giúp quá trình đào tạo gần hơn với nhu cầu và chuẩn của đơn vị tuyển dụng; tránh được sự “lãng phí” nguồn lực của đơn vị đào tạo, tuyển dung và cả nhân sự.

Và hơn hết, tuổi trẻ là phải dấn thân, dám tự thử thách mình, trui rèn bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm đối với công việc. Đó là những “bí quyết” giúp chúng ta không ngừng phát triển bản thân; sống, học tập và làm việc với những niềm vui!

Kính chúc quý thầy cô, cán bộ trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng một mùa hiến chương ấm áp!

Chúc các em sinh viên mạnh khỏe, tiếp tục đồng hành cùng CEP để “cùng kiến tạo ước mơ”!

ThS. Trần Thị Phương Thảo - Khoa Kế toán


123movies