HỘI THẢO ĐỀ TÀI CẤP BỘ "“ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH LIÊN KẾT VÀ HỢP TÁC HÓA LÃNH THỔ TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG NAM TRUNG BỘ CỦA VIỆT NAM”
31/05/2024
Sáng ngày 31/5/2024, Trường Cao đẳng kinh tế kế hoạch Đà Nẵng và Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp bộ tổ chức hội thảo với chủ đề “ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH LIÊN KẾT VÀ HỢP TÁC HÓA LÃNH THỔ TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG NAM TRUNG BỘ CỦA VIỆT NAM”.
TS. Nguyễn Cao Luận - Phó hiệu trưởng, Phụ trách trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch Đà Nẵng chủ trì buổi hội thảo
Hội thảo dưới sự đồng chủ trì của TS. Nguyễn Cao Luận và TS. Nguyễn Thị Thoa. Các đại biểu đã nghe các báo cáo các tham luận về: Kinh nghiệm liên kết vùng của các quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Vùng Nam Trung Bộ, Liên kết vùng nhằm phát triển bền vững chuỗi Logistics vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Các cơ chế chính sách liên quan đến liên kết và hợp tác hóa lãnh thổ tại vùng Nam trung bộ, vai trò và những thách thức trong liên kết và hợp tác hóa lãnh thổ tại vùng Nam Trung Bộ của Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Thoa - Đồng chủ trì buổi hội thảo báo cáo tham luận
Các đại biểu báo cáo tham luận
Các tham luận hội thảo đã cho thấy một bức tranh tổng thể về liên kết và hợp tác hóa lãnh thổ tại vùng Nam Trung Bộ. Khẳng định quan điểm liên kết vùng đã và đang trở thành xu hướng phát triển. Sự liên kết nội vùng và liên vùng ngày càng trở nên sôi động ở Việt Nam trong những năm gần đây. Số lượng và chất lượng, tính toàn diện của các thỏa thuận liên kết vùng ngày càng tăng. Hình thức liên kết vùng cũng ngày càng đa dạng. Các hoạt động liên kết vùng trong vùng thời gian qua đã có những tác động tốt trên một số khía cạnh:
- Khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương;
- Góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng;
- Tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước;
- Giải quyết hài hòa hơn các mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội,...;
- Cùng bàn bạc và có những đề xuất chính sách/dự án chung đối với vùng và liên vùng;
- Góp phần đáng kể trong việc lôi kéo các chủ thể khác trong nền kinh tế tham gia hợp tác, ...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, vẫn còn một số hạn chế nhất định, tiêu biểu như:
- Đa số các thỏa thuận liên kết giữa các chính quyền địa phương trong vùng còn mang tính hình thức, hành chính, nặng về quyết tâm chính trị, chưa có sự phối hợp thực chất.
- Một số nội dung liên kết vùng cốt yếu chưa hiệu quả. Ví dụ như liên kết trong thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch còn yếu và thiếu hiệu quả.
- Cơ chế chính sách, đặc biệt là hiệu lực thực thi chính sách liên kết vùng Việt Nam nói chung và vùng Nam Trung Bộ nói riêng còn chưa hiệu quả.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu trong hội thảo đã tập trung thảo luận về các vấn đề như: Những yếu tố tác động tới liên kết và hợp tác hóa lãnh thổ tại Việt Nam nói chung và vùng Nam Trung bộ nói riêng; Các mô hình liên kết và hợp tác hóa lãnh thổ và vùng kinh tế thành công trên thế giới, có khả năng ứng dụng vào Việt Nam; Những hạn chế trong liên kết và hợp tác hóa lãnh thổ Miền Trung và Nam trung bộ. Hậu quả khi tồn tại các vấn đề, hạn chế này; Các hạn chế từ cơ chế chính sách, thể chế ảnh hưởng tới liên kết và hợp tác hóa vùng, lãnh thổ; Các giải pháp thúc đẩy liên kết và hợp tác hóa lãnh thổ.
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo đã thành công tốt đẹp và bế mạc vào lúc 11h30.
Tin, bài: TS. Nguyễn Thị Thoa - Khoa Kinh tế Cơ sở