CEP - 10 trường hợp “đặc biệt” trúng cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII
31/01/2021
CEP - 10 trường hợp “đặc biệt” trúng cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là 2 trong số 10 trường hợp đặc biệt trúng cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII.
Theo danh sách Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII vừa được Đại hội XIII công bố tối muộn hôm qua, 30.1, có 10 ủy viên T.Ư khóa XIII thuộc trường hợp đặc biệt (quá tuổi).
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là 1 trong 10 trường hợp đặc biệt của T.Ư khóa XIII
|
Cụ thể,
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là 2 trường hợp “đặc biệt” ủy viên Bộ Chính trị tái cử. Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, năm nay 77 tuổi và là ủy viên T.Ư từ khóa VII tới nay. Ông Trọng cũng được bầu làm Tổng bí thư tại khóa XI, XII. Trong nhiệm kỳ khóa XII, ông Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước từ cuối năm 2018 sau khi cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là trường hợp "đặc biệt" ủy viên Bộ Chính trị tái cử thứ 2 của khóa XIII lần này
|
Trường hợp thứ 2 là
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc sinh năm 1954, năm nay 67 tuổi. Ông Phúc quá 2 tuổi so với quy định độ tuổi tái cử của ủy viên Bộ Chính trị là 65. Ông Phúc tham gia Ban Chấp hành T.Ư từ khóa X và trở thành Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa XI. Trong nhiệm kỳ XII, ông Phúc được bầu làm Thủ tướng Chính phủ.
4 trường hợp "đặc biệt" ủy viên T.Ư tái cử
Ngoài 2 trường hợp “đặc biệt” ủy viên Bộ Chính trị tái cử, có 4 trường hợp “đặc biệt” ủy viên T.Ư tái cử, gồm: ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao; ông Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư và ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.
Cả 4 trường hợp này đều sinh năm 1960, năm nay 61 tuổi, quá 1 tuổi so với quy định độ tuổi tái cử của ủy viên T.Ư là không quá 60 tuổi.
4 trường hợp "đặc biệt" ủy viên T.Ư tái cử (từ trái qua): ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư; ông Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT
|
Ông Trí từng là Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM (từ 2009-2013) sau đó làm Phó trưởng ban Nội chính T.Ư. Từ 4.2016, ông được Quốc hội bầu làm Viện trưởng VKSND tối cao.
Ông Phan Văn Giang từng là Tư lệnh Quân đoàn 1 (2010), sau đó trở thành Phó tổng tham mưu trưởng rồi Tư lệnh Quân khu 1. Từ nhiệm kỳ khóa XII, sau khi trở thành ủy viên T.Ư khóa XII, ông Giang được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ông Võ Văn Dũng, xuất thân là cán bộ tại tỉnh Bạc Liêu. Ông được bầu làm ủy viên T.Ư dự khuyết tại khóa X, sau đó trở thành Chủ tịch rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Từ 10.2015, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Nội chính T.Ư và từ 1.2016 tới nay, ông là ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính T.Ư.
Ông Nguyễn Chí Dũng, từng là Thứ trưởng Bộ KH-ĐT (2008-2009) sau đó làm Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận rồi Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận. Từ khóa XI, ông được bầu làm Ủy viên T.Ư. Và từ nhiệm kỳ XII, sau khi được bầu làm ủy viên T.Ư khóa XII, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.
4 trường hợp đặc biệt tham gia T.Ư lần đầu
4 trường hợp "đặc biệt" lần đầu tham gia T.Ư (từ trái qua): ông Phạm Gia Túc, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư; ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau
|
Có 4 trường hợp “đặc biệt” tham gia Ban Chấp hành T.Ư lần đầu gồm: ông Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư; ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an và ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.
Các trường hợp trên đều quá 55 tuổi theo quy định đối với trường hợp tham gia T.Ư lần đầu. Cụ thể, ông Nguyễn Duy Ngọc sinh năm 1964, năm nay 57 tuổi. Các trường hợp còn lại đều sinh năm 1965, năm nay 56 tuổi.
Như vậy, trong số 10 trường hợp "đặc biệt" vào T.Ư có 2 trường hợp ủy viên Bộ Chính trị tái cử, 2 trường hợp của ngành công an, 2 trường hợp của Ban Nội chính T.Ư, 1 trường hợp của bộ, ngành T.Ư và 1 trường hợp của địa phương.