DHKT

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng và 48 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng

17/03/2023

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng và 48 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng - Nội dung chi tiết xem tại đây

I. TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (28/3/1930 - 28/3/2023)

1. Quá trình vận động, thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng

Dưới thời Pháp thuộc, Pháp đặt Đà Nẵng thành đất “nhượng địa” để trực tiếp cai quản. Vì vậy, Đà Nẵng trở thành một đô thị sầm uất bật nhất Trung kỳ, là một cửa ngõ quan trọng trong việc tiếp nhận sách, báo tiến bộ, tân thư… từ thế giới bên ngoài vào Đà Nẵng, rồi tỏa đi khắp Trung kỳ. Cũng chính nơi đây, nhiều người con Đà Nẵng và Quảng Nam đã xuất dương du học, tỏa ra các nước để học hỏi những trào lưu tiến bộ của thế giới, nhất là tư tưởng yêu nước, cách mạng do Nguyễn Ái Quốc truyền bá, để về nhen nhóm những ngọn lửa cách mạng đầu tiên trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng và Trung kỳ nói chung.

Từ năm 1917-1918, số học sinh Quảng Nam và Đà Nẵng ra học tại Huế đã cùng nhau tổ chức ra “Nhà Hội Quảng Nam” với mục đích đoàn kết, tương thân, tương ái, tạo điều kiện giúp đỡ về ăn ở và học hành, đã nhanh chóng thu hút hầu hết học sinh người Quảng Nam học tập ở Huế như: Đỗ Phiên, Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà, Đỗ Quang, Lê Quang Sung, Thái Thị Bôi, Đỗ Quỳ, Phan Châu Dật, Phan Thị Châu Liên… đây là thế hệ thanh niên xứ Quảng có tư tưởng cách mạng đầu tiên trên đất Huế. Học sinh ở Nhà hội Quảng Nam đã được tiếp xúc nhiều sách báo tiến bộ, khơi gợi tinh thần yêu nước, thân phận phận nô lệ, đọa đày trong tâm khảm của những người học sinh yêu nước tại đây.

Tháng 4/1927, ở Huế nổ ra một cuộc bãi khóa lớn. Nhà Hội Quảng Nam biến thành trung tâm lãnh đạo bãi khóa. Số anh em ở nhà hội bỏ học, phân tán đi khắp nơi, có số gia nhập các tổ chức cách mạng. Chính trong thời điểm này, Đỗ Quang - Phái viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên kịp thời gặp gỡ số học sinh bãi khóa, vận động thành lập Ban vận động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam gồm các đồng chí: Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung, Phan Long, Thái Thị Bôi. Hầu hết số học sinh này đã xác định được cho mình tinh thần: Trước hết là làm quốc gia cách mạng, sau là làm thế giới cách mạng. Như vậy, từ lòng yêu nước thiết tha, các học sinh, sinh viên xứ Quảng nhanh chóng tiếp thu dễ tinh thần cách mạng vô sản thông qua tổ chức Hội Việt Nam thanh niên cách mạng. Đây là bước chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam tại Quảng Nam và Đà Nẵng sau này.

Tháng 6/1927, các đồng chí Đỗ Quang, Lê Văn Hiến muợn nhà ông Hội đồng Tùng, còn gọi là trường Cự Tùng, để giáo dục, xây dựng lực lượng và làm cơ quan liên lạc. Tháng 9/1927, chi bộ đầu tiên của Hội Thanh niên cách mạng đồng chí ở Đà Nẵng được thành lập, gồm các đồng chí: Đỗ Quang (Bí thư), Lê Quang Sung (tức Lê Hoành), Thái Thị Bôi, Lê Văn Hiến, Huỳnh Thị Thuyền, sau bổ sung thêm các đồng chí Đỗ Quỳ và Nguyễn Long. Về sau phát triển thêm các đồng chí Nguyễn Văn Tý, Phạm Thị Cảnh, Phạm Thị Kỳ…

Sau khi chi bộ đầu tiên được thành lập một thời gian ngắn, đồng chí Đỗ Quang đẩy mạnh công tác tổ chức tuyên truyền, lập thêm hai chi bộ nữa: một ở Đà Nẵng, một ở Hội An. Chi bộ thứ hai ở Đà Nẵng do đồng chí Nguyễn Tường phụ trách. Còn chi bộ ở Hội An gồm có các đồng chí: Phan Văn Định (Bí thư), Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh), Nguyễn Thái, Lê Uýnh, Trần Văn Tăng... và một số đồng chí khác. Khi Đà Nẵng phát triển thêm được một chi bộ thứ 3 thì đầu năm 1928, anh Đỗ Quang triệu tập hội nghị thành lập Hội Việt Nam cách mạng thành niên tỉnh. Cuộc họp được tổ chức tại một địa điểm bí mật trên bãi cát Trường Lệ (Hội An). Hội nghị bầu Tỉnh ủy đầu tiên của Hội Thanh niên cách mạng đồng chí gồm các đồng chí: Đỗ Quang (Bí thư), Trần Văn Tăng, Phan Thêm, Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi. Hội nghị còn cử đồng chí Lê Văn Hiến làm đại biểu của tỉnh đi dự hội nghị Kỳ bộ mở rộng tại Đà Nẵng.

Sự ra đời của các chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Đà Nẵng đã trở thành ngọn lửa mới soi sáng cho thế hệ thanh niên yêu nước đang khao khát tìm hiểu về cách mạng vô sản lúc bấy giờ tại “nhượng địa Tourane”. Từ năm 1927, Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ra chỉ thị rút người, đưa ra học tập ở nước ngoài. Lớp đầu tiên, địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng cử đồng chí Đỗ Quang sang học. Sau khi được Nguyễn Ái Quốc truyền đạt các phương thức hoạt động cách mạng, mấy tháng sau, số các đồng chí trên trở về Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đường lối cách mạng theo Đường Kách Mệnh cho số anh em tại Quảng Nam và Đà Nẵng.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hội Việt Nam thanh niên cách mạng ở Đà Nẵng đã quyết định in cuốn Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc, tại xóm Giếng Bộng để làm tài liệu tuyên truyền cách mạng, vạch rõ con đường của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, công nông là gốc của cách mạng. Muốn làm cách mạng phải biết đoàn kết quốc tế, chỉ rõ tầm quan trọng của phương pháp cách mạng, trước hết phải có Đảng cách mạng vững vàng tay lái mới thành công. Đảng cách mạng muốn vững phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm cốt, lấy tư cách người cách mạng làm trọng.Điều đáng nói là, trong điều kiện bị thực dân Pháp đàn áp, mật thám Pháp theo dõi gắt gao song với tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, những người cộng sản đầu tiên của Đà Nẵng đã bất chấp nguy hiểm, in và nhân bản để và phát hành rộng rãi đến nhiều người, thậm chí gửi đến nhiều địa phương trong khắp Trung kỳ.

Tháng 9/1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, Đảng quyết định đưa những hội viên, phần lớn là học sinh, trí thức đi vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng lao động với công nhân để tự rèn luyện bản thân thành những cán bộ cách mạng chân chính, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào công nhân, giúp giai cấp công nhân rút ngắn quá trình đấu tranh tự phát, sớm nhận ra vai trò lịch sử của mình. Từ chủ trương này, nhiều đảng viên do Xứ ủy Trung kỳ cử vào hoạt động tại Đà Nẵng như: Phan Văn Định, Hà Văn Tính, Nguyễn Đức Thiệu, Hoàng Thị Ái, Hồ Sĩ Thiều… Số những đồng chí này cùng với các đồng chí đảng viên quê Quảng Nam và Đà Nẵng như: Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà, Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Võ Nghiêm, Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh), Huỳnh Lắm, Trần Thị Dư, Trần Kim Bảng, Đoàn Xuân Trinh, Trịnh Quang Xuân, Nguyễn Thiều (tức Trác), Trần Học Giới, Lê Tuất… đã tích cực hoạt động, làm cho phong trào cách mạng tại Đà Nẵng và Quảng Nam phát triển một cách mạnh mẽ. Đến tháng 5/1929, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Nam - Đà Nẵng lên 50 người. Vì những lẽ đó, Đà Nẵng dần xuất hiện 3 tổ chức cách mạng là: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Sự ra đời của các tổ chức đảng phản ảnh xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam, tạo nên một bước phát triển nhảy vọt về chất, kết hợp phong trào công nhân và phong trào yêu nước thành một làn sóng dân tộc và dân chủ mạnh mẽ tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước ta thời bấy giờ.

Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc. Dự hội nghị có hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh; hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu. Do chưa nhận được tin Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới thành lập, nên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không triệu tập tổ chức này dự Hội nghị. Như vậy, Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam; sau đó Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cũng gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được phân công đặc trách Xứ ủy Trung kỳ. Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là thành quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc với phong trào yêu nước và phong trào công nhân.

Ngày 28/3/1930, tại bãi cát Trường Lệ thuộc thành phố Hội An hiện nay, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã thông báo sự hợp nhất 3 tổ chức cộng sản do Nguyễn Ái Quốc chủ trì và đề nghị Quảng Nam - Đà Nẵng tiến hành thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, bao gồm thành phố Đà Nẵng,đánh dấumột mốc lịch sử của nhân dân Quảng Nam -Đà Nẵng bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh dân tộc, dân chủ theo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Chặng đường 93 năm vẻ vang của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng

Ngay sau khi thành lập, những người cộng sản Đà Nẵng đã thực hiện hàng loạt các hoạt động cách mạng như: Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, ngày 1/5, ta đã rải truyền đơn, treo cờ đỏ rải rác trong thành phố, nhất là vụ treo cờ ở rạp chiếu bóng Nguyễn Khoa Lệ và một vụ ở Bót cò Đà Nẵng. Từ đó về sau hàng chục, rồi hàng trăm đảng viên cộng sản xuất hiện tại Đà Nẵng, từ việc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng yêu nước, nhất là thông qua học tập tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc những người cộng sản Đà Nẵng, Quảng Nam đã bất chấp khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhân dân. Đảng bộ đã lãnh đạo các phong trào những năm 1930-1931 ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; phong trào đòi dân sinh - dân chủ 1936-1939 và cao trào cách mạng 1939-1945, tiến hành thành công cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, Đà Nẵng (và Quảng Nam) là chiến trường trọng yếu, là địa đầu bảo vệ vùng tự do Khu V, đã góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Thực dân Pháp thua đau, phải rút quân về nước, nước ta được lập lại hòa bình, nhưng với âm mưu xâm lược nước ta của đế quốc Mỹ đã có từ lâu, nhân cơ hội này, Mỹ hất cẳng Pháp, phá hoại Hiệp định Genève, trực tiếp xâm lược nước ta. Đà Nẵng và Quảng Nam là địa bàn chịu sự đàn áp vô cùng dã man của bọn tay sai phản động. Trong quá trình này, Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng không khuất phục trước kẻ thù, luôn kiên trung với Đảng, với dân tộc. Từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng soi sáng, Đảng bộ đã từng bước lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, làm chủ thành phố 76 ngày đêm năm 1964, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị ở các vùng đô thị; góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Bị thất bại nặng nề, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc Chiến tranh cục bộ chống lại nhân dân ta. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Khu ủy V, Thành ủy Đà Nẵng đã từng bước lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân xác định tinh thần quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Việc xây dựng các “vành đai diệt Mỹ” ở Hòa Vang và nhiều địa phương khác, với rất nhiều cách đánh sáng tạo. Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968, quân và dân Đà Nẵng đã nổi dậy, tấn công vào thành phố. Sau đó địch phản kích, hàng trăm chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh. Mặc dầu bị bao vây giữa lòng địch, nhưng các đảng viên, chiến sĩ cách mạng quyết không hạ vũ khí đầu hàng, chiến đấu, hi sinh đến giọt máu cuối cùng, lấy máu đào tô thắm thêm ngọn cờ quang vinh của Đảng, tạo thế chiến lược sau này cho hàng loạt chiến thắng của quân và dân tỉnh nhà, đã góp phần làm thất bại Chiến lược chiến tranh cục bộ, Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, buộc kẻ thù phải ký vào Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, việc giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975, góp phần quan trọng để Trung ương quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, từ năm 1975 đến năm 1996, dưới sự lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, giành được những thành tựu quan trọng. Điểm nổi bậc trong thời kỳ này là Quảng Nam - Đà Nẵng là tỉnh đi đầu trong việc thực hiện khai hoang, vỡ hóa, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh... Cùng với tập trung lãnh đạo phục hồi, phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hoá, một số ngành công nghiệp chủ yếu như cơ khí, khai khoáng, vật liệu xây dựng, dệt - may, hoá chất, khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản, các ngành xuất nhập khẩu, giao thông vận tải... hình thành và phát triển.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Thành ủy Đà Nẵng đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh; vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp trên, vừa phát huy nội lực, giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần cùng cả nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo đà quan trọng cho sự phát triển trong những năm sau này.

Từ năm 1997 đến nay (năm 2023), với cơ chế của một thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ Đà Nẵng vận dụng cơ hội mới để phát triển. Thành phố đã thực hiện công cuộc quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị một cách mạnh mẽ, tạo sức bật mới cho Đà Nẵng đổi thay nhanh chóng và diệu kỳ; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, du lịch phát triển nhanh, khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn; đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, các chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, “thành phố 4 an” theo chuẩn mớivà thực hiện tích cực, chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn đứng vị trí cao so với cả nước; đã phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo, không để bị động bất ngờ, môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn được bảo đảm.

3. Phát huy truyền thống của Đảng bộ thành phố trong thời kỳ mới

Năm 2023 là năm đánh dấu nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, đặc biệt là phát huy các kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời, triển khai có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù và nhiêu văn bản quan trọng của Trung ương quyết tâm tháo gỡ các khó khăn, tôn tại để khơi thông các nguồn lực sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển thành phố trong năm 2023 và thời gian tiếp theo.

- Tiếp tục thực hiện chủ trương của Trung ương về ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

- Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đề ra; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư các dự án quan trọng, mở rộng đối thoại nhằm tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp và Nhân dân.

- Cùng với phát triển kinh tế, cần quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chú trọng vào việc nâng cao chất lượng dân số, xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”, bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, nhằm tạo nên một thế hệ trẻ có đầy đủ thể lực, trí lực và nhân cách đạo đức, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Tiếp tục thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, các đối tượng xã hội, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật...

- Thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh và quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân vững chắc, đủ sức ngăn chặn và kịp thời đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển.

- Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong sạch, vững mạnh. Triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 23/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tăng cường củng cố, xây dựng tô chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” gắn với Đề án của Thành ủy về “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triên thành phố đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; tiếp tục thực hiện nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị (khóa XI, XII, XIII)gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, triển khai kế hoạch thực hiện Chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vê phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Đà Nang trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố”; nâng cao chất lượng và hiệu quả của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định, quy chế về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng, đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tiễn; Tăng cường công tác dân vận, mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí./.

II. TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (29/3/1975 - 29/3/2023)

1. Nhân dân Đà Nẵng đấu tranh chống Mỹ - ngụy và chuẩn bị thế tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Sau chiến thắng vang dội của ta ở Điện Biên Phủ, Mỹ âm mưu kéo dài chiến tranh ở Đông Dương, tìm cách phá hoại việc thi hành Hiệp định Genève, hất cẳng Pháp, thiết lập ở miền Nam nước ta chế độ độc tài, phát xít tàn bạo. Bằng chính sách “tố cộng” để diệt cộng, chúng thẳng tay đàn áp, gây ra những vụ tàn sát dã man, hòng tiêu diệt các lực lượng cách mạng và đè bẹp ý chí chiến đấu vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta. Song, trong những năm tháng khó khăn ác liệt ấy, cùng với nhân dân miền Nam, Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng kiên trì, bề bỉ đấu tranh chống địch, đấu tranh đòi “hiệp thương”, “tổng tuyển cử” thống nhất nước nhà, chống “trưng cầu dân ý”… của chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, ta đã từng bước xây dựng phát triển lực lượng, từng bước kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng để đánh địch, góp phần làm phá sản “quốc sách ấp chiến lược” và chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy.

Giữa năm 1965, đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh, ồ ạt đưa quân Mỹ và các nước phụ thuộc Mỹ vào miền Nam tiến hành Chiến tranh cục bộ. Ngày 8/3/1965, quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Nhân dân Đà Nẵng đã tổ chức tuần lễ tự trọng dân tộc và xây dựng vành đai diệt Mỹ Hòa Vang, hình thành thế bao vây, tiêu diệt địch. Từ năm 1969, đế quốc Mỹ thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, vừa từng bước rút quân Mỹ, vừa ra sức củng cố, tăng cường ngụy quân, ngụy quyền, phản công và tiến công ta quyết liệt. Chúng tập trung lực lượng “bình định” nông thôn, đồng thời củng cố vị trí của chúng ở thành thị mà về thực chất là “bình định” vùng tạm chiếm bằng cách tăng cường kìm kẹp, đàn áp, bóc lột nhân dân thành phố. Quân và dân Đà Nẵng đã kiên cường “trụ bám”, xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở nội thành và vùng ven, tiến tới phối hợp với toàn miền Nam tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Paris, rút quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc ra khỏi miền Nam.

Từ sau ngày Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng đã nhạy bén với tình hình mới, tranh thủ thời cơ, tiếp tục phát triển thực lực cách mạng, tạo thế và lực mới để cùng cả nước chủ động kết thúc chiến tranh. Từ cuối năm 1974, khi thời cơ cách mạng chung của miền Nam đã bắt đầu xuất hiện, Đảng bộ và nhân dân thành phố phát huy phương châm hai chân, ba mũi giáp công, đẩy mạnh tiến công địch cả về quân sự và chính trị. Tháng 7/1974, ta mở chiến dịch giải phóng Nông Sơn - Tiên Phước, tiêu diệt chi khu quận lỵ Thượng Đức. Phối hợp với chiến trường chung, đêm 19 rạng 20/7/1974, ta tấn công và pháo kích sân bay Đà Nẵng, các vị trí của địch ở các phường An Khê, Hòa Cường, núi Phước Tường, ngã tư Hòa Cầm... Đến cuối năm 1974, thực tế chiến trường đã chứng tỏ rằng, ta có điều kiện để tổ chức cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương đất Quảng và thành phố Đà Nẵng thân yêu.

2. Diễn biến tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng - 1975

Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 và đầu năm 1975 nêu quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh thực dân mới của đế quốc Mỹ bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 10/3/1975, quân dân ta đã mở chiến dịch Tây Nguyên với đòn đánh trúng huyệt Buôn Ma Thuột và đến ngày 24/3 đã giải phóng hoàn toàn vùng Tây Nguyên. Ngày 19/3, ta giải phóng tỉnh Quảng Trị. Ngày 26/3, giải phóng thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày 22/3, trước hàng loạt những thắng lợi giành được trên chiến trường Tây Nguyên và Trị Thiên Huế, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị Khu ủy và Quân khu V: “Địch rút bỏ Huế và không loại trừ khả năng rút bỏ Đà Nẵng, chuẩn bị tích cực đánh Đà Nẵng theo phương án đã dự kiến”. Ngày 23/3, Thường vụ Khu ủy Quảng Đà và Quân khu V họp, hạ quyết tâm: “Động viên toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong khu phấn đấu trong thời gian ngắn nhất giải phóng hoàn toàn khu V”. Chiến trường chính được xác định là thành phố, thị xã, mục tiêu chủ yếu là thành phố Đà Nẵng. Ngày 24/3, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã tổ chức cuộc họp quan trọng bàn triển khai kế hoạch giải phóng Đà Nẵng. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà để chỉ huy cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy. Tối ngày 27/3, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy V, làm việc với Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà, khẳng định: Phải giải phóng Đà Nẵng bằng 2 lực lượng tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng, chậm nhất là ngày 3/4/1975 hoàn thành giải phóng thành phố.

Lực lượng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng của cả Trung ương và địa phương gồm: Quân đoàn 2 với các Sư đoàn 304, 325; lực lượng Quân Khu V gồm Sư đoàn 2 và Lữ đoàn 52; lực lượng địa phương gồm Trung đoàn 96 và Trung đoàn 97 của Mặt trận 4 Quảng Đà và các lực lượng quân sự, chính trị ở nội, ngoại thành. Chiến dịch giải phóng Quảng Đà bắt đầu từ 5 giờ sáng ngày 28/3/1975 khi pháo binh của ta nổ súng vào Bà Rén, Vĩnh Điện, Hòn Bằng và vào 8 giờ sáng bắn khống chế sân bay và hải cảng Đà Nẵng. Các lực lượng bộ binh và thiết giáp bắt đầu tấn công các huyện, thị, vùng ven thành phố. Do được chuẩn bị trước, các ủy ban khởi nghĩa huyện, thị ở Quảng Đà đã nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy theo mệnh lệnh khởi nghĩa của Đặc Khu ủy Quảng Đà.

Ngày 28/3/1975, ta giải phóng Duy Xuyên. Sáng ngày 29/3, ta giải phóng các huyện Đại Lộc, Hòa Vang, Điện Bàn và thị xã Hội An. Ở Hòa Vang, từ 15 giờ ngày 27/3, Chi bộ Đảng xã Hòa Phước thuộc Khu III Hòa Vang đã nổi mõ huy động quần chúng kéo vào các đồn địch xin lánh nạn, kêu khóc hù dọa lính địch. Du kích dùng loa kêu gọi ngụy, tề đầu hàng, nổ súng thị uy. Địch hốt hoảng bỏ một số chốt điểm nhỏ, co cụm về các chốt điểm lớn. Thừa thắng, quần chúng nổi dậy hạ các mâm tề ở địa phương, chiếm cứ điểm Trung đoàn 51, cứ điểm Miếu Bông và giải phóng toàn xã; trong lúc đó, Sư đoàn 3 ngụy từ Quế Sơn xuống chiếm cầu Tứ Câu, dùng hỏa lực bắn dọn đường cho quân của chúng tháo chạy về Đà Nẵng. Chi bộ Đảng xã Hòa Phước đã lãnh đạo lực lượng du kích và một số hàng binh địch để đánh địch. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở cửa ngõ thành phố Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 3 trên chiến trường Quảng Đà. Tại Khu II, lực lượng du kích các xã Hòa Bình, Hòa Khương, Hòa Hưng - trong đó du kích Hòa Bình là chủ công - đã tổ chức bao vây, bức hàng quân ngụy ở quận lỵ. Lúc 14 giờ ngày 28/3, ta đột nhập vào quận lỵ bắt được tên quận phó. Tại quận lỵ Hòa Vang, lực lượng du kích, trong đó du kích xã Hòa Thọ là chủ công đã tổ chức bao vây, tiến công địch. 8 giờ ngày 29/3, bộ đội địa phương Khu II cùng du kích mật xã Hòa Châu đánh trung đội nghĩa quân gác Cầu Đỏ. Cùng lúc, quân ta ồ ạt tiến vào thành phố đã cùng đồng bào nổi dậy tại chỗ chiếm quận lỵ Hòa Vang vào lúc 14 giờ ngày 29/3/1975.

Tại Khu I, trong đêm 27/3, lực lượng khởi nghĩa sẵn sàng tư thế hành động. Ngày 28/3, quân địch ở đây tháo chạy hầu hết về Đà Nẵng. Tối hôm đó, lực lượng khởi nghĩa Khu I trang bị gậy gộc, cuốc, thuổng, lựu đạn chia nhau chiếm lĩnh một số chốt điểm của địch. Bộ đội địa phương và du kích tổ chức truy quét bọn địch lẩn trốn. Lúc 9 giờ sáng ngày 29/3, toàn bộ Khu I Hòa Vang được giải phóng. Trong khi đó, một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 325 thuộc Quân đoàn 2, sau khi chiếm quận lỵ Phú Lộc (Thừa Thiên) đã cơ động đến chân đèo Hải Vân tiêu diệt quân ngụy chốt chặn ở Lăng Cô, đánh tan 5 tiểu đoàn địch, mở thông đường tiến quân vào Đà Nẵng. Cùng với mũi tiến quân vũ bão này, Đại đội công binh Hải Vân, Đại đội 1 bộ đội địa phương và Tiểu đoàn 89 sau khi vào Nam Ô, Xuân Thiều đã phát triển xuống Phước Tường đánh chiếm kho đạn pháo Sủng Mây và cùng một mũi của Sư đoàn 2 thọc sâu đánh chiếm sân bay Đà Nẵng và Sở chỉ huy Quân đoàn I ngụy.

Ở các xã phía đông khu III, sáng ngày 29/3, quân địch từ Hội An tháo chạy ra Đà Nẵng rất đông. Đồng bào và du kích các xã Hòa Hải, Hòa Lân, Hòa Long, Hòa Phụng, Hòa Đa đã dùng loa gọi hàng, thu chiến lợi phẩm và đuổi bắt tù binh. Hàng trăm chị em đã ra đường đón đầu xe địch nhằm bảo vệ các điểm lót quân của bộ đội trước giờ tấn công Đà Nẵng. Lợi dụng đội hình địch tán loạn, du kích xông lên làm chủ trận địa, cắm cờ giải phóng trên xe tăng địch, đảm bảo hành lang cho bộ đội ta tiến công vào Đà Nẵng.

Tại Đà Nẵng, trước sức tấn công như vũ bão của quân dân ta, đêm 28/3, Ngô Quang Trưởng - Trung tướng, Tư lệnh Quân đoàn I cùng đồng bọn bí mật chuồn ra Hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi Biển Đông. Nhận được tin này, sau khi cân nhắc, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà hạ quyết tâm: Vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975 và được Thường vụ Khu ủy V hoàn toàn chấp thuận. Phối hợp với lực lượng tiến công từ ngoài vào, rạng ngày 29/3, tại số nhà 245 Phan Châu Trinh, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã phát lệnh khởi nghĩa; các ủy ban khởi nghĩa trong thành phố lập tức đưa quần chúng nổi dậy, tấn công vào quân Ngụy, kêu gọi binh sĩ ngụy hạ vũ khí trở về nhà, không chống cự, ra hàng cách mạng. Lực lượng biệt động và tự vệ thành phố triển khai kế hoạch đánh chiếm các vị trí theo phương án đã vạch ra, đặc biệt là phải chiếm lĩnh nguyên vẹn nhà máy điện, giữ cho được dòng điện và ánh sáng, giải phóng các nhà lao, không cho địch ám hại đồng chí, đồng bào ta.

Tại Quận I, khoảng 8 giờ đến 12 giờ, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm các trụ sở của ngụy quyền như: trụ sở Quận Nhất, quân vụ thị trấn, Đài phát tín, Tòa Thị chính, các khu phố Nam Phước, Hải Châu, Thạch Thang, Bình Thuận, Hòa Cường, Xương Bình, Tiểu đoàn I chiếm kho bạc. Tại Quận II, sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa, Quận ủy chuyển ngay vào thành phố, trực tiếp chỉ đạo các ban khởi nghĩa của các khu phố, ga xe lửa Đà Nẵng, bến xe chợ Cồn lãnh đạo quần chúng nổi dậy chiếm các trụ sở hội đồng phường, khu phố, chi cục cảnh sát, vận động binh lính ngụy bỏ ngũ về với gia đình. Trưa 29/3, lực lượng khởi nghĩa của quận đã chiếm lĩnh toàn bộ cơ quan ngụy quyền Quận Nhì và trụ sở ngụy quyền ở các phường trong quận. 11 giờ 30 ngày 29/3/1975, biệt động thành phố và sau đó là Đại đội 1 của Trung đoàn 96 tiếp quản Tòa Thị chính ngụy quyền. Lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phất phới tung bay trên nóc Tòa Thị chính ngụy chính thức báo hiệu thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng. 12 giờ ngày 29/3, Sư đoàn 2 sau khi vượt qua sông Cẩm Lệ, đã chia làm hai mũi, từ Đò Xu và Nghi An đánh chiếm sân bay Đà Nẵng, cùng lúc một bộ phận của Sư đoàn 304 tiến vào sân bay Đà Nẵng, hội quân với Sư đoàn 2 làm chủ sân bay. Lúc 13 giờ 30, đơn vị xe tăng của Sư đoàn 325 tiến đến đường Hùng Vương, 14 giờ xuống đường Bạch Đằng và vượt cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) tiến sang quận III phối hợp cùng với các đơn vị bộ đội khác tấn công địch ở bán đảo Sơn Trà. Chiều 29/3, bộ đội chủ lực của ta với cả xe tăng và trọng pháo, vượt cầu Trịnh Minh Thế tiến qua chiếm lĩnh căn cứ Sơn Trà của địch. Riêng Quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa được giải phóng, còn bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ngày 30/3, Ủy ban quân quản của thành phố và của các cấp được thành lập. Đảng bộ và nhân dân thành phố vừa giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng và phục vụ cho việc giải phóng Sài Gòn và các tỉnh còn lại ở miền Nam. Ngày 7/5/1975 tại sân vận động Chi Lăng, nhân dân thành phố đã mít tinh mừng thành phố được giải phóng. Ngày 15/5, thành phố tưng bừng trong đêm pháo hoa mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất.

 

3. Ý nghĩa và nguyên nhân thắng lợi

Ngày 29/3/1975 đã đi vào lịch sử của thành phố Đà Nẵng như một bản anh hùng ca bất diệt. Đó là ngày thành phố được giải phóng sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ, sau 30 năm chiến tranh giải phóng và sau 117 năm kể từ khi quân Pháp nổ phát súng đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta. Từ mốc son lịch sử này, Nhân dân Đà Nẵng thực sự làm chủ thành phố dưới ánh sáng của chế độ mới. Có được thắng lợi giải phóng thành phố Đà Nẵng là nhờ đường lối, chủ trương và quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, nhờ sự chỉ đạo sâu sát nhạy bén trước diễn biến tình hình, kịp thời tranh thủ thời cơ của Khu ủy và Ban Thường vụ Khu ủy V, nhờ sự chỉ đạo trực tiếp sáng tạo và linh hoạt của Đặc Khu ủy và Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà. Thắng lợi ấy cũng là nhờ có các thắng lợi của chiến trường Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, các tỉnh ở Khu V, đã tạo nên thế chiến lược áp đảo quân địch, tạo thuận lợi cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng.

Trên phạm vi đất Quảng, thắng lợi của chiến dịch Tiên Phước - Tam Kỳ và các huyện phía Nam có ý nghĩa trực tiếp uy hiếp quân địch ở Đà Nẵng, làm cho chúng hỗn loạn tan rã. Sự phối hợp của các lực lượng vũ trang, đấu tranh chính trị, binh vận và quần chúng vào các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An đã tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang và quần chúng khởi nghĩa trong thành phố nổi dậy làm sụp đổ hệ thống ngụy quân ngụy quyền, làm chủ thành phố. Thắng lợi ấy là nhờ có sức mạnh đoàn kết và tinh thần tiến công của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhờ đảng bộ, lực lượng vũ trang và Nhân dân thành phố biết phối hợp với các lực lượng và toàn chiến trường, với tinh thần quyết chiến quyết thắng, đã tranh thủ thời cơ, đồng loạt đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng đã đánh giá: “Tấn công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng có ý nghĩa quyết định sự sụp đổ quân ngụy ở miền Nam”.

4. Phát huy tinh thần chiến thắng ngày 29/3 bất diệt trong 48 năm qua

Bốn mươi tám năm qua, đất nước và thành phố Đà Nẵng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và từng bước phát triển bền vững. Trong quãng thời gian đó, Đảng bộ và Nhân dân Đà Nẵng vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố lớn, văn minh, hiện đại của đất nước. Chính tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, hy sinh lợi ích riêng, vì lợi ích chung đã giúp chúng ta đưa Đà Nẵng từ một căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ - ngụy, một “thành phố tiêu thụ” trước đây trở thành một đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, là trung tâm dịch vụ - du lịch - thương mại của cả miền Trung - Tây Nguyên; là đô thị có tốc độ phát triển mạnh mẽ, đột phá cả chiều rộng, chiều cao; một thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, nhân văn và đáng sống; để mỗi người dân Đà Nẵng hôm nay đều có quyền tự hào về thành phố quê hương trong niềm tin tưởng và yêu mến của Nhân dân cả nước và bạn bè bốn phương.

Thành phố đã nhạy bén, chọn những khâu đột phá dựa trên tiềm năng và thế mạnh của mình, để phát triển theo hướng nhanh, mạnh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TWcủa Bộ Chính trị về Phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp đó, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Theo đó, Trung ương đã xác định quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp lớn cho giai đoạn phát triển mới, để Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - đó là động lực mới để thành phố tiếp tục có bước phát triển mới.

Thành phố phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội một cách hài hòa, bền vững, hướng đến con người, vì con người và mang đậm tính nhân văn. Đó là “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, thành phố văn hóa, thành phố của những cây cầu, của các sự kiện, của môi trường hòa bình, thân thiện…; là nơi hội tụ của trí thức, người lao động, những người yêu mến Đà Nẵng khắp nơi trong cả nước, ở nước ngoài về đây cùng chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển Đà Nẵng.

Bài học đoàn kết, đồng thuận và đồng lòng vì sự phát triển chung, là bài học đã và đang được các cấp lãnh đạo, chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết tâm thực hiện. Với việc Đà Nẵng tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị (khóa XII). Quyết tâm xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng. Đà Nẵng sẽ trở thành một đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

 

BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY


bflix