DHKT

MỐI LIÊN HỆ GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ GIA ĐÌNH TRONG VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ HỌC SINH SINH VIÊN_ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM

31/05/2022

MỐI LIÊN HỆ GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ GIA ĐÌNH TRONG VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ HỌC SINH SINH VIÊN_ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM

ThS Nguyễn Thu Hà – Khoa Tài chính _ Ngân hàng

  1. Đặt vấn đề

Nhắc đến việc giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) con người, chúng ta thường nghĩ đến vai trò của các nhà trường, các cơ sở giáo dục. Trên thực tế, để đào tạo ra những con người phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì không chỉ có vai trò của nhà trường, mà còn rất cần sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của gia đình và toàn xã hội. Đó là ba môi trường giáo dục quan trọng tạo thành thế “chân kiềng” vững chắc để cùng giáo dục, hình thành nhân cách và vun đắp sự trưởng thành của một con người.

            Nguyên lý giáo dục ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình, để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.[1]

Do đó, mối quan hệ và hợp tác giữa gia đình và nhà trường được xem là  một yếu tố quan trọng trong việc quản lý giáo dục và đào tạo học tập của sinh viên.

Vì vậy, việc thiết lập mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, là hết sức cần thiết.

Thiết lập và tăng cường mối liên hệ giữa gia đình với nhà trường, sẽ giúp cho phụ huynh thường xuyên nắm bắt được tình hình học tập, rèn luyện ở trường, lớp của sinh viên; trên cơ sở đó, kịp thời ngăn chặn, điều chỉnh, sửa chữa các điểm hạn chế trong học tập và rèn luyện. Giáo viên có thêm hiểu biết về thông tin các em có hoàn cảnh khó khăn; từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp, toàn diện; và có định hướng đúng để giúp đỡ từng sinh viên.

Trong mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò là chiếc cầu nối quan trọng; trong việc phối hợp với gia đình quản lý HSSV; giám sát việc học tập, rèn luyện của sinh viên tạo điều kiện để HSSV được học tập và rèn luyện.

Vậy thế nào là một mối quan hệ nhà trường - phụ huynh tích cực? Thế nào là “kết nối giữa gia đình – nhà trường?”

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Giáo dục Diane Levin tại Đại học Wheelock (Mỹ), mối quan hệ giữa cha mẹ và giáo viên tích cực sẽ giúp học sinh, sinh viên cảm thấy thoải mái khi đến trường và xem thầy cô là những người quan trọng, đáng tin cậy trong cuộc sống chỉ sau gia đình.

  1. Giải quyết vấn đề

Kết nối giữa gia đình – nhà trường không ngẫu nhiên xảy ra, mà được xây dựng theo thời gian thông qua giao tiếp nhất quán, cộng tác, cùng giải quyết vấn đề, tạo mục tiêu chung, và quan trọng nhất là tin cậy.

Mặt khác, việc xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của nhà trường và gia đình; sẽ giúp các bên có ý thức sẵn sàng phối hợp, chủ động phối hợp mà không có thái độ trông chờ hay ỷ lại vào môi trường giáo dục khác; tạo sự đồng thuận cao và huy động được sự tham gia chủ động, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý HSSV. Cụ thể, trách nhiệm của nhà trường và gia đình trong mối quan hệ hợp tác, quản lý học sinh và sinh viên như sau [3]:

* Trách nhiệm của nhà trường

- Quản lý, giáo dục và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong thời gian học tập ở trường, tham gia hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường.

- Nâng cao vai trò trách nhiệm của của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) trong việc phối hợp với giáo viên bộ môn thực hiện đánh giá chính xác, công bằng, công khai kết quả học tập và rèn luyện của học sinh sinh viên (HSSV); thường xuyên trao đổi với gia đình HSSV theo đúng quy định.

- Thường xuyên liên hệ chặt chẽ với gia đình HSSV, nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tinh thần thái độ học tập của HSSV để có biện pháp phối hợp giáo dục.

* Trách nhiệm của gia đình

- Quản lý, giám sát lịch trình học tập của HSSV. Nắm vững diễn biến tư tưởng, kết quả học tập, rèn luyện của HSSV, con em mình, chủ động thông báo cho nhà trường và giáo viên chủ nhiệm những vấn đề không bình thường của con em mình và những học sinh khác để thống nhất biện pháp phối hợp giáo dục.

- Chủ động, tích cực phối hợp cùng nhà trường và các tổ chức đoàn thể giáo dục HSSV; phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của con em mình gây ra theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu nhà trường thường xuyên thông báo kết quả học tập và rèn luyện của con em mình, tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường; yêu cầu nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục giải quyết theo pháp luật những vấn đề có liên quan đến việc giáo dục con em.

* Nguyên tắc phối hợp

  1.  Đảm bảo sự thống nhất về quan điểm, nội dung, phương pháp giáo dục nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục.
  2.  Tổ chức các hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong công tác giáo dục học sinh trên cơ sở chức năng, nhiệmvụ và quyền hạn của mỗi bên theo quy định của pháp luật hiện hành.
  3.  Bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong các hoạt động phối hợp; nâng cao trách nhiệm của mỗi bên tham gia.
  1. Kết luận

Thực tế, trong năm học 2018-2019; tại trường Cao đẳng Kinh tế _ Kế hoạch Đà Nẵng, tình trạng sinh viên đi học không chuyên cần, cúp tiết; sinh viên nộp học phí trễ hạn vẫn còn phổ  biến; kết quả sinh viên xếp loại rèn luyện loại Trung bình chiếm tỷ lệ 32.5%, vẫn cao; đặt ra cho nhà trường những thách thức cho công tác tổ chức tổ chức, quản lý hoạt động học tập, rèn luyện HSSV nói chung và mối liên hệ, hợp tác giữa nhà trường và phụ huynh nói riêng trong việc khắc phục tình trạng trên.

Để mối quan hệ này trở nên gắn kết, việc giao tiếp hai chiều hiệu quả là một trong những “chìa khóa” then chốt. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm là chiếc cầu nối quan trọng giữa nhà trường và gia đình trong việc kịp thời thông tin đến phụ huynh tình hình tu dưỡng, rèn luyện và kết quả học tập của con em họ, qua đó động viên, chia sẻ và uốn nắn từng biểu hiện hành vi của HSSV, kể cả những sai phạm, biểu hiện lệch chuẩn. Theo các chuyên gia giáo dục, truyền thông đóng vai trò quan trọng để xây dựng quan hệ đối tác và bền chặt giữa nhà trường và gia đình. Hơn thế nữa, cách thức nhà trường tương tác với phụ huynh còn ảnh hưởng đến mức độ và chất lượng mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh. Cụ thể, các GVCN có thể sử dụng những gợi ý sau để tương tác với phụ huynh; nhằm xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình tích cực; hiệu quả:

  1. Xác định một phương tiện giao tiếp liên tục

Xác định phương tiện giao tiếp thường xuyên với phụ huynh (điện thoại và các phương tiện truyền thông qua mạng internet rất thông dụng hiện nay như thư điện tử, zalo, viber, messenger, facebook…) để kịp thời thông tin đến cha mẹ học sinh tình hình tu dưỡng, rèn luyện và kết quả học tập của con em họ, qua đó động viên, chia sẻ và phối hợp với gia đình trong việc khắc phục, uốn nắn, sữa chữa những sai phạm của HSSV.  

      2.   Xây dựng hồ sơ học tập của sinh viên.

Là hệ thống tài liệu có tính pháp lý tổng hợp về sinh viên, phản ánh những thông tin thiết yếu về sinh viên dùng để quản lý quá trình học tập, sinh hoạt, rèn luyện của sinh viên theo từng giai đoạn (hồ sơ khi nhập trường, hồ sơ theo dõi quá trình học tập, rèn luyện, hồ sơ tốt nghiệp)

Xây dựng hồ sơ học tập, báo cáo càng chi tiết càng tốt, hồ sơ học tập không chỉ gồm hình ảnh, điểm số, mà còn là những lưu ý được ghi chép bởi giáo viên. Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn trong việc tổng hợp những thông tin về tính chuyên cần, thái độ học tập, những đánh giá nhận xét chuyên môn, lưu ý đến sinh viên lớp chủ nhiệm; các hoạt động của các tổ chức Đoàn thể, ngoại khóa của nhà trường. [4]

Lưu ý hồ sơ học tập nên có phần cho phụ huynh phản hồi, sự giao tiếp hai chiều này sẽ làm cả phụ huynh và giáo viên hiểu nhiều hơn về sinh viên./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Chủ Tịch bàn về giáo dục (1962), NXB giáo dục, tr168-172

[2] Quốc hội (2005), Luật giáo dục 2005, Luật số 38/2005/QH 11 ban hành ngày 14/6/2005

[3] Quyết định số 420/2015/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2015 của UBND tỉnh Bắc Giang về phối hợp nhà trường – gia đình- xã hội trong giáo dục học sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

[4] Hồ sơ học sinh sinh viên – Cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác cố vấn học tập trong hoạt động quản lý học sinh sinh viên – Nhìn từ góc độ cố vấn học tập,(2018), tham luận Hội nghị CVHT/GVCN năm 2018, Trường Cao đẳng Kinh tế kế hoạch Đà Nẵng.


bflix