DHKT

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG MỚI TẠI HÀN QUỐC!

01/07/2023

Tuần lễ giao lưu văn hóa giữa hai trường Đại học Nữ Kyung In Hàn Quốc và trường Cao đẳng Kinh tế-Kế hoạch Đà Nẵng diễn ra từ ngày 26 đến 30 tháng 6 năm 2023 có thể xem là một sự kiện nổi bật và đáng chú ý. Đây là hoạt động không chỉ gắn kết sâu sắc mối quan hệ ngoại giao giữa hai trường mà còn nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, trao đổi văn hóa, trao đổi giảng viên và sinh viên... Buổi hội thảo về chủ đề chuyển đổi số trong tình hình mới là một trong số các hoạt động chuyên đề nhằm chia sẻ thông tin về chuyển đổi số tại Hàn Quốc đến đông đảo cán bộ giảng viên và sinh viên hai trường.

Giáo sư Dong Su Jin (cầm hoa) cùng cộng sự và các cán bộ giảng viên trường CĐ Kinh tế-Kế hoạch Đà Nẵng tham gia workshop về chủ đề “Chuyển đổi số trong tình hình mới” 

Bài trình bày của Giáo sư Dong Su Jin đến từ trường Đại học Nữ Kyung In Hàn Quốc với chủ đề “Bình thường mới và Chuyển đổi số - hậu COVID 19” chia sẻ cách tiếp cận của cá nhân về một cuộc sống mới sau các cuộc khủng hoảng và câu chuyện bình thường mới tại Hàn Quốc hậu COVID 19. Nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol là một biểu hiện của mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” từ cuối năm 2022 giữa hai nước, cũng như trọng tâm của mối quan hệ của Đại học Nữ Kyung In Hàn Quốc đối với trường Cao đẳng Kinh tế-Kế hoạch Đà Nẵng. Thông qua tác phẩm nổi tiếng Sự Giàu có của các Quốc gia của Adam Smith, được xem là cha đẻ của Kinh tế học hay Tư bản của Các Mác, giáo sư nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế đối với sự phát triển của các quốc gia. Với cách tiếp cận về bình thường mới là “một hiện tượng định hình nên nền kinh tế thế giới trong năm hay mười năm tới sau mỗi một cuộc khủng hoảng” là những nghiên cứu so sánh về các cuộc khủng hoảng như Khủng hoảng tài chính năm 1997, năm 2008 hay sự kiện Brexit và cuộc sống bình thường mới sau các cuộc khủng hoảng nêu trên. Đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi toàn diện và sâu sắc nền kinh tế thế giới và tại Hàn Quốc với 5 xu hướng bình thường mới hậu COVID-19 có thể kể ra là giao tiếp gián tiếp (non face-to-face), chuyển đổi số (digitalization), tái thiết kế chuỗi cung ứng toàn cầu (GVC redesign), quản trị môi trường xã hội (ESG) và Gen Z (Generation Z).

Tại Hàn Quốc, ăn một mình (single meal) trở nên phổ biến sau đại dịch hay xu hướng mua sắm một mình, du lịch một mình được xã hội chào đón và chấp nhận như một hiện tượng phổ biến. Xu hướng bình thường mới này được các tập đoàn và hệ thống siêu thị, cửa hàng như Emart24 hay Baemin triển khai rộng rãi thông qua việc điều chỉnh mô hình kinh doanh linh hoạt và liên tục. Đặc biệt là sự quan tâm nghiêm túc của Chính phủ Hàn Quốc dành cho trí tuệ nhân tạo (AI) đã được thể hiện rõ thông qua các chính sách đầu tư cho AI cũng như hỗ trợ các tập đoàn hàng đầu trong phát triển AI như Samsung hay LG và câu chuyện thành công của tập đoàn Samsung khi giữ vị trí thứ 6 trong top 10 thương hiệu có giá trị hàng đầu thế giới năm 2022.

Giáo sư Dong Su Jin (cầm hoa) cùng cộng sự chụp hình lưu niệm cùng cán bộ giảng viên và sinh viên hai trường 

Có thể nói, chuyển đổi số được dựa trên nền tảng Internet vạn vật (IoT) và các cấu phần là trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, điện toán đám mây (Cloud) và dữ liệu lớn (Big Data) được xem là cuộc cách mạng làm thay đổi nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế mỗi quốc gia, thúc đẩy các mô hình kinh doanh truyền thống chuyển đổi mạnh mẽ hay khai sinh các mô hình kinh doanh mới nhằm đem lại các giá trị không chỉ cho xã hội mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng trong bối cảnh bình thường mới. Xin cảm ơn Giáo sư Dong Su Jin với những chia sẻ hữu ích về quá trình chuyển đổi số nhằm đáp ứng các xu hướng bình thường mới, đặc biệt là sau COVID-19 trên thế giới nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Xin chúc cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai trường ngày càng phát triển bền vững.  

ThS Trần Thị Phương Thảo - Khoa Kế toán


TIN LIÊN QUAN

cinego