DHKT

TẠI SAO BẠN CHỌN HỌC NGÀNH TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG?

03/04/2019

TẠI SAO BẠN CHỌN HỌC NGÀNH TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG?

                                                                   Trương Phan Kiều Oanh

                                                               Khoa Tài chính – Ngân hàng

Tốt nghiệp trung học phổ thông, chọn học ngành gì  rất quan trọng bởi vì điều này ảnh hưởng đến công việc tương lai của bạn. Trong thực tế, có nhiều ngành nghề cho bạn lựa chọn, tuy nhiên để chọn nghề phù hợp thì bạn cần tìm hiểu nghề đó đào tạo như thế nào, sau khi học xong thì bạn sẽ làm việc ở đâu và vị trí công việc là gì, cơ hội thăng tiến ra sao…Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về một trong những ngành học tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng – đó là ngành Tài chính – Ngân hàng.

          Học ngành Tài chính – Ngân hàng, bạn sẽ được trang bị kiến thức về pháp luật, kinh tế - xã hội, tài chính – tiền tệ, kiến thức giải quyết vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng; phương pháp và cách thức sử dụng các thiết bị văn phòng hiện đại, các chương trình phần mềm tin học thông dụng trong trao đổi thông tin nghiệp vụ và bảo mật thông tin; phương pháp cập nhật các chính sách phát triển kinh tế và các chế độ về tài chính – tiền tệ, kế toán, thuế vào công tác tài chính – ngân hàng; kiến thức về phân tích tài chính và đánh giá được tình hình hoạt động tài chính; tìm hiểu từng nghiệp vụ cụ thể trong ngân hàng như: bảo lãnh, thanh toán, kế toán, tín dụng…

Với lượng kiến thức nêu trên  bạn sẽ đạt được các kỹ năng nghề nghiệp đó là: Sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng;  Lập được các chứng từ, kiểm tra, phân loại, xử lý được chứng từ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng;  Lập được kế hoạch tài chính, báo cáo tài chính, phân tích được tình hình kinh tế tài chính của một đơn vị;  Tham mưu được cho lãnh đạo đơn vị những ý kiến cải tiến làm cho công tác quản lý tài chính – tiền tệ ở đơn vị đúng pháp luật.

  •         Sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính – Ngân hàng bạn có thể đảm nhận các vị trí công việc như:  Giao dịch viên; Chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp; Kiểm soát viên; Nhân viên phát hành thẻ ATM; Nhân viên chăm sóc khách hàng; Chuyên viên thanh toán quốc tế; Chuyên viên định giá tài sản; Chuyên viên phân tích, tư vấn đầu tư chứng khoán; Chuyên viên phân tích, hoạch định và quản lý các hoạt động tài chính…

Với những vị trí nghề nghiệp hấp dẫn như trên khi tốt nghiệp ngành Tài chính – ngân hàng  bạn  có thể dự tuyển vào vị trí ở các cơ quan khác nhau như: Ngân hàng thương mại; Cục thuế, hải quan;  Công ty bảo hiểm; Công ty chứng khoán; Công ty tài chính; Quỹ tín dụng; Quỹ đầu tư;  hoặc làm chuyên viên tại phòng Tài chính - Kế hoạch ở các công ty sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Một điều bạn sẽ băn khoăn là  trong giai đoạn hiện nay có nên học ngành Tài chính – Ngân hàng không?

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quy mô nhân lực ngành Ngân hàng tăng lên, từ 67.558 người trong năm 2000 lên 180.000 người trong năm 2012. Tốc độ tăng trưởng quy mô trung bình hàng năm là 20%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thay thế nhân viên trong một năm của các ngân hàng là 10%. Đó là những người lên chức, để lại ghế trống, chuyển nghề hoặc những người không đủ năng lực nên bị đào thải. Theo số liệu của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong giai đoạn 2016-2025, chỉ tính riêng các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng sẽ cần thêm gần 300.000 chỉ tiêu làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán…

Mặt khác, thông tin trên Thời báo ngân hàng đăng ngày 22/10/2018: Các tổ chức tín dụng nhận định tình hình lao động và việc làm trong ngành Ngân hàng tiếp tục chuyển biến tích cực với 56,84% tổ chức tín dụng cho biết đã tuyển thêm lao động trong quý III/2018, cao hơn tỷ lệ 46% ghi nhận tại kỳ trước. Tuy nhiên, vẫn có 26,6% tổ chức tín dụng  nhận định đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại và 61,46%  tổ chức tín dụng dự kiến tiếp tục tuyển thêm lao động trong quý IV/2018.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhu cầu đào tạo mới nhân lực ngành Tài chính - Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam là trên 1,6 triệu người và đến năm 2020, tổng số nhân lực làm việc trong ngành Ngân hàng khoảng 300.000 người. Nhiều năm nay, các ngân hàng vẫn loay hoay với bài toán nhân sự: thừa thì vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước thềm Cách mạng công nghệ 4.0. Thị trường lao động trong ngành Ngân hàng sẽ thay đổi theo hướng gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi cả chuyên môn nghiệp vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin. 

Như vậy, năng lực mới là yếu tố quyết định. Bạn không nên thi ngành dễ tìm việc mà hãy tìm ngành có việc làm tốt, đi được lâu dài và có thể phát triển. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao người chịu đeo bám công việc đến cùng, dù nhiều khó khăn.

Hy vọng với quyết định sáng suốt của mình, bạn sẽ sớm trở thành những chuyên viên tài chính giỏi, những nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp tự tin, quyết đoán, có khả năng giải quyết những vấn đề phát sinh trong công việc, góp phần quan trọng thúc đẩy sự ổn định, thịnh vượng của nền kinh tế.


123movies